Thay đổi từ dòng xe 16 chỗ, xe limousine bằng chiêu bài 9 chỗ hợp đồng nhiều năm qua đã ngang nhiên từ các tỉnh như Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh... đón trả khách trong nội thành Hà Nội.
Tình trạng này vô hình trung tạo ra xe dù bến cóc, trong khi các ngành chức năng dường như vẫn lúng túng…
Nở rộ thị trường vận chuyển bằng xe Limousine
Theo thanh tra Sở GTVT Hà Nội, bản chất xe limousine là dòng xe 16 chỗ được lắp ráp thành xe 9 chỗ chất lượng cao và điều này đồng nghĩa xe thuộc nhóm “đối tượng” có thể chạy trong những tuyến phố cấm xe cố định.
Có lẽ, chính vì tính hữu ích tiện lợi này, nhiều doanh nghiệp đã thu nạp dòng xe trên, đặc biệt khi thành phố Hà Nội định hướng phát triển bến xe theo các hướng Đông Tây - Nam Bắc, tránh trục xuyên tâm thành phố, xe limousine nghiễm nhiên trở thành xe vận chuyển hành khách có tính “bắc cầu” đắc dụng.
Theo đó, hành khách có thể điện thoại đến doanh nghiệp vận tải, xe limousine sẽ đón tại địa điểm ấn định, rồi từ đó chở đến bến xe nơi doanh nghiệp có tuyến cố định (chủ yếu trên 300km). Thậm chí ở những tuyến cự ly trung bình dưới 200km như Phú Thọ, Thanh Hoá, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang… xe limousine 9 chỗ này nếu đủ khách sẽ chạy thành tuyến.
Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần xe limousine của các doanh nghiệp hiện nay đều chạy tuyến cố định, trong khi thực chất chỉ là xe hợp đồng.
Có mặt tại bến xe Mỹ Đình ngày 13/3, phóng viên “thực mục sở thị” nhiều xe
Limousine Phú Thọ dừng đỗ tại các đại diện doanh nghiệp vận tải ở trên các tuyến phố Nguyễn Hoàng, Trần Bình, Phạm Hùng, Duy Tân…
Tương tự, tại khu vực bên ngoài bến xe Giáp Bát, đặc biệt trên đường Giải Phóng, xe limousine ngang nhiên đón khách đi Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình. Hay khu vực phố Yên Phụ, gần cầu Long Biên, xe limousine “tập kết” đón khách đi Lạng Sơn 30 phút một chuyến, với giá 200.000 đồng/người/chuyến bất chấp chốt CSGT nằm chéo góc.
Ông Trần Nhật Quang, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, có thể khẳng định xe limousine hợp đồng chạy tuyến cố định là xe “dù”. Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng chức năng rất lúng túng trong vấn đề xử phạt vì khi kiểm tra, xe limousine đầy đủ giấy tờ, hợp đồng, thậm chí “danh sách” hành khách… Nếu có xử phạt thì chỉ dừng ở mức dừng đỗ sai quy định.
Theo thống kê, trong tháng 2 vừa qua, Thanh tra Sở GTVT tải Hà Nội, đã xử lý được 55 trường hợp, CSGT xử lý 16 trường hợp xe limousine hợp đồng vi phạm các lỗi chở khách, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. Song, đây chỉ là muối bỏ biển, khi lượng xe limousine hợp đồng hoạt động tần xuất lớn, giờ chạy không cố định, trong khi lực lượng chức năng không đủ lực và con người.
“Không thể quản được xe limousine hợp đồng đón trả khách trong phố vì trên đăng ký là xe hợp đồng. Thêm nữa, các doanh nghiệp vận tải chạy tuyến cố định trong bến mất đi nhiều lượng khách, khiến năng suất vận tải giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp vận tải cố định đã tuyên bố phá sản, hoặc phải chuyển sang mô hình xe limousine để tăng tính cạnh tranh tuyến”- Chánh Thanh tra Sở GTVT Trần Nhật Quang nhấn mạnh về nghịch lý này.
Theo tính toán của 1 chuyến Limousine Việt Trì, Phú Thọ đi Hà Nội, một xe 9 chỗ chỉ cần có 4 khách hàng, chạy đủ “lốt”, đủ ngày, là có thể trang trải tiền thuê lái xe, tiền xăng, tiền khấu hao tài sản, tiền nộp thuế doanh nghiệp… trong tháng. Điều này đồng nghĩa, những chỗ còn lại là tiền lãi của doanh nghiệp.
Khó xử lý nhiều hãng xe limousine
Lực lượng chức năng cho biết, hiện nay, xe limousine hợp đồng chủ yếu bị xử lý lỗi dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. Tuy nhiên, theo quy định, lỗi này có mức phạt tối đa 1,5 triệu đồng song không tước bằng lái xe. Trong khi đó, với xe cố định mức phạt khoảng gần 10 triệu đồng tiền phạt (phạt xe, phạt doanh nghiệp) và tước bằng lái xe trong 2 tháng. Chính vì mức xử phạt thấp này, nên doanh nghiệp “nhờn luật”.
“Ở đây, luật xử phạt và phương án giảm tải ùn tắc giao thông trong thời gian qua chủ yếu tăng nặng ở nhóm xe chạy tuyến cố định. Tuy nhiên, xu thế xe hợp đồng đã phát triển mạnh và chế tài đã không bắt kịp với sự tăng tốc của nhóm xe VIP này”- ông Trần Nhật Quang phân tích.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết thêm, sự lách luật của dòng xe limousine khiến các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý do không đủ lực lượng để thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động. Hiện nay, đường dây nóng của tổng cục đã tiếp nhận nhiều phản ánh về hoạt động của loại hình phương tiện này ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định nhưng quản ra sao và xử phạt như thế nào, lại không đơn giản ...
Được biết, Hà Nội đã thí điểm cấm xe hợp đồng trong 11 tuyến phố và sẽ nhân thêm tuyến cấm trong thời gian tới. Song, nếu như hành lang pháp lý không được chặt chẽ, các chiêu “lách luật” vận tải, thậm chí là các
lái xe taxi sẽ tiếp tục tiếp diễn với những biến dạng khó lường.